Lùm Phun thuộc thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân là một vùng trũng, đầm lầy, cây cối um tùm, rậm rạp. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng xóa bỏ cấp tổng, thành lập cấp xã để huy động nhân tài, vật lực cho kháng chiến, Phú Xuân (lúc này có tên là Phú Hưng) là 1 trong 10 xã của huyện Phú Vang; đây là căn cứ địa kháng chiến để bảo vệ tuyến hành lang vùng đệm nối liền các xã ven phá với vùng đồng bằng của huyện.
Lùm Phun xã Phú Xuân qua ảnh vệ tinh
Với diện tích tự nhiên hơn 30 km2; với địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp, có khe suối, bùn lầy, là điểm giao thông liên hoàn với thôn Lê Xá Đông, thôn Đồng Di… Lùm Phun trở thành hậu cứ an toàn, nơi cất giấu lương thực, quân trang, quân dụng; địa bàn đứng chân của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện; là nơi nuôi dưỡng thương binh, ém quân để mở các chiến dịch lớn tiến công tiêu diệt kẻ thù, trở thành “căn cứ lõm vững chắc” để ngăn chặn các cuộc tấn công của địch.
Chính đặc điểm và vị trí quan trọng nên Lùm Phun là một trong những căn cứ địa cách mạng ở đồng bằng được hình thành khá sớm, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các lực lượng của ta đã về hoạt động và bám trụ tại đây, bám giữ địa bàn để tác chiến, đánh dấu sự hình thành một căn cứ địa cách mạng ở ngay trong lòng địch, điều đó thể hiện sự vận dụng đường lối chiến lược đấu tranh của quân và dân ta từ 1965 trở về sau là “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lùm Phun tiếp tục giữ vị trí trọng yếu của một căn cứ cách mạng.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với vị trí chiến lược của Lùm Phun nên quân địch tập trung ở đây rất nhiều lực lượng, xây dựng nhiều đồn bốt, tổ chức nhiều cuộc hành quân đánh phá, phục kích để ngăn chặn lực lượng của ta về hoạt động và trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa quân ta và địch.
Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc, quân địch liên tục càn quét, đánh phá; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Phú Xuân đã kiên cường, anh dũng, xây dựng căn cứ địa kháng chiến ngay giữa đồng bằng, đánh giặc cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Sự hình thành căn cứ cách mạng Lùm phun là kết quả tất yếu của lịch sử, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong chiến tranh du kích, lấy ít đánh nhiều, dựa vào địa hình, địa vật, những yếu tố thuận lợi của tự nhiên để đánh địch.
Quan cảnh buổi lễ và các đại biểu đang thực hiện nghi thức lễ chào cờ
Nhân dịp Đảng ủy- HĐND- UBND- UBMTTQVN xã Phú Xuân long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm Lùm Phun xã Phú Xuân; Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh; Sở Văn hóa, thể thao tỉnh; Huyện ủy- HĐND- UBND- UBMTTQVN huyện Phú Vang; Công an huyện Phú Vang; các trường học và trạm y tế xã; Chi bộ, BĐH và các đoàn thể của các thôn trên địa bàn xã; cán bộ và nhân dân thôn Lộc Sơn đã gửi hoa Chúc mừng buổi lễ.
Lãnh đạo xã đón nhận những lãng hoa tươi thắm của các cơ quan, đơn vị các cấp gửi chúc mừng buổi lễ
Đồng chí Hồ Đình Vĩnh Long, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Báo cáo tóm tắt giá trị lịch sử về di tích Lùm Phun, quá trình đề nghị công nhận di tích cấp Tỉnh
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, đồng chí Trần Gia Công –TUV, Bí thư Huyện ủy đã trao Bằng Di tích Lịch sử cấp tỉnh Lùm Phun cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Xuân theo Quyết định số 3315/QĐ-UBND ngày 16/12/2021.
Đồng chí Hồ Đình Tiển- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, đồng chí Đặng Hữu Yên- Phó Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Đỗ Công Khiêm- Chủ tịch UBND xã và đồng chí Đặng Ngọc Phê- Chủ tịch UBMTTQVN xã đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Đức Lộc – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Việc công nhận di tích Lùm Phun là Di tích Lịch sử cấp tỉnh nhằm ghi nhớ về một địa điểm cách mạng mà cha ông chúng ta đã tạo ra để phục vụ sự nghiệp đấu trang bảo vệ Tổ quốc, thống nhất non sông; cùng với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phú Vang, địa điểm Lùm Phun góp phần đa dạng và phong phú thêm các loại hình di tích trong hệ thống di sản vật thể, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng của huyện Phú Vang; căn cứ Lùm Phun cho đến nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” sát với khu vực dân cư, thuận tiện cho việc phát huy giá trị di tích cũng như thu hút du khách đến tham quan, hành hương về thăm lại chiến trường xưa, nghiên cứu và học tập, đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh di tích lịch sử Lùm Phun được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp tỉnh là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Vang nói chung, xã Phú Xuân nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của địa điểm này.
Đồng chí Lê Đức Lộc – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện thay mặt lãnh đạo huyện phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Đồng chí Đỗ Công Khiêm- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thay mặt lãnh đạo xã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện và phát biểu cám ơn
Tại buổi lễ Ban tổ chức thông qua Quyết định của UBND xã về việc thành lập Ban quản lý di tích lịch sử Lùm Phun và ra mắt, nhận nhiệm vụ của Ban quản lý di tích lịch sử Lùm Phun. Theo Quyết đinh, UBND xã cử đồng chí Hồ Đình Vĩnh Long- Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban quản lý di tích lịch sử Lùm Phun.
Ban quản lý di tích lịch sử Lùm Phun và ra mắt, nhận nhiệm vụ
Sau buổi lễ các đại biểu cùng tham quan địa điểm di tích lịch sử Lùm Phun tại thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân.